Lịch sử Chuyến bay 111 của Swissair

Máy bay

Chiếc máy bay McDonnell Douglas MD-11 mã số 48448, số đăng ký HB-IWF, sản xuất năm 1991 có chủ sở hữu duy nhất là hãng Swissair. Nó được đặt tên là Vaud, theo tên bang Vaud của Thụy Sĩ. Chiếc máy bay được lắp đặt ba động cơ Pratt & Whitney 4462. Khoang hành khách gồm 241 chỗ ngồi (12 chỗ hạng nhất sáu chỗ một hàng, 49 chỗ hạng thương gia bảy chỗ một hàng, và 180 chỗ hạng phổ thông chín chỗ một hàng). Những chỗ ngồi ở khoang hạng nhất và hạng thương gia đều có hệ thống giải trí trên máy bay, lắp đặt một thời gian sau khi chiếc máy bay được đưa vào sử dụng thương mại. Trước khi gặp nạn, chiếc Vaud đã bay 36.041 giờ.[6]

Phi hành đoàn

Phi hành đoàn tiêu chuẩn của một chiếc MD-11 bao gồm cơ trưởng, cơ phó trong buồng lái, và đội tiếp viên trong khoang hành khách bao gồm một tiếp viên trưởng giám sát hoạt động của 11 tiếp viên hàng không. Toàn bộ phi hành đoàn trên chuyến bay 111 đều đủ tiêu chuẩn, được đào tạo và chứng nhận theo đúng quy định của Thụy Sĩ và Cơ quan quản lý hàng không liên hợp, hay Joint Aviation Authorities (JAA). Trực tiếp điều khiển máy bay là cơ trưởng Urs Zimmermann, 50 tuổi, và cơ phó Stephan Löw, 36 tuổi,[7] đều là những phi công nhiều kinh nghiệm với 10.800 giờ và 4.800 giờ bay, theo thứ tự. Đồng thời cơ trưởng cũng là một phi công hướng dẫn của loại máy bay MD-11.[8]

Bay và gặp nạn

Chuyến bay cất cánh từ sân bay quốc tế John F. Kennedy, New York vào lúc 20:18 EDT (00:18 UTC). Suốt 13 phút từ 20:33 EDT (00:33 UTC) đến 20:47 EDT (00:47 UTC), chiếc máy bay bị gián đoạn liên lạc vô tuyến mà không rõ nguyên do. Điều tra sau này cho thấy sự cố gián đoạn là do sai sót khi điều chỉnh các radio liên lạc.[9]

Lúc 22:10 AT (01:10 UTC), khi đang bay ổn định tại độ cao 33.000 foot hoặc 10.100 mét), các phi công (cơ trưởng Urs Zimmermann và cơ phó Stephan Löw) nhận thấy có mùi lạ trong khoang lái và xác định nó là khói từ hệ thống điều hòa không khí, một tình huống dễ dàng xử lý và Zimmermann yêu cầu một tiếp viên đóng lỗ thông khí của hệ thống điều hòa lại. Bốn phút sau, mùi lạ xuất hiện trở lại, lúc này kèm theo cả khói; khiến hai phi công cân nhắc việc chuyển hướng và hạ cánh nhanh tại một sân bay gần đó. Lúc 22:14 AT (01:14 UTC), phi hành đoàn thực hiện một cuộc gọi vô tuyến "Pan-pan" đến đài kiểm soát không lưu Moncton (điều khiển không lưu tại vùng Nova Scotia, gồm phần lớn các chuyến bay ra vào châu Âu), báo hiệu rằng chuyến bay đang gặp vấn đề, nhưng không phải một vấn đề khẩn cấp (thể hiện qua cuộc gọi "Mayday"), và yêu cầu chuyến hướng đến sân bay quốc tế Logan, Boston, lúc đó cách 300 hải lý (560 km). Kiểm soát không lưu Moncton đề nghị các phi công hạ cánh tại sân bay quốc tế Halifax gần hơn, tại Enfield, Nova Scotia, cách đó 66 nm (104 km), và Löw chấp thuận. Sau đó phi hành đoàn đeo mặt nạ dưỡng khí vào và bắt đầu hạ độ cao. Cơ trưởng Zimmermann yêu cầu Löw điều khiển máy bay trong khi ông duyệt qua hai danh sách kiểm tra đưa ra bởi Swissair trong trường hợp có khói trong khoang lái, quá trình có thể mất đến 20 phút để hoàn tất và là nguồn gốc của nhiều cuộc tranh luận sau này.[9]

Lúc 22:18 AT (01:18 UTC), kiểm soát không lưu Moncton giao quyền điều khiển chuyến bay cho kiểm soát không lưu Halifax, vì chiếc máy bay sẽ hạ cánh tại đây thay vì tiếp tục bay khỏi không phận Bắc Mỹ. Lúc 22:19 AT (01:19 UTC), chiếc máy bay chỉ còn cách sân bay quốc tế Halifax 30 hải lý (56 km), nhưng Löw yêu cầu thêm thời gian để hạ độ cao từ 21.000 foot (6.400 m). Lúc 22:20 AT (01:20 UTC), Löw thông báo cho kiểm soát không lưu Halifax rằng ông cần thải bỏ nhiên liệu. Kiểm soát không lưu Halifax sau đó chuyển hướng chiếc máy bay đến vịnh St. Margarets nơi nó có thể an toàn thải bỏ nhiên liệu và vẫn nằm trong khoảng 30 hải lý (56 km) từ Halifax.

Theo danh sách kiểm tra của Swissair đề "Trong trường hợp có khói trong khoang lái", các phi công tắt nguồn điện trong khoang máy bay, và các quạt thông gió trên trần máy bay ngừng hoạt động. Việc này biến khoảng không trên trần máy bay thành một ống hút và lửa nhanh chóng lan vào buồng lái, khiến chế độ tự lái ngừng hoạt động; lúc 22:24:28 AT (01:24:28 UTC), Löw thông báo với kiểm soát không lưu Halifax rằng "lúc này chúng tôi phải điều khiển thủ công".[10] Mười bảy giây sau, lúc 22:24:45 AT (01:24:45 UTC), Löw thông báo với kiểm soát không lưu Halifax rằng "Swissair 111 tuyên bố tình trạng khẩn cấp",[10] lặp lại tuyên bố khẩn cấp một giây sau đó,[10] và trong 10 giây sau nói rằng họ đã hạ xuống "giữa 12.000 và 5.000 feet" (3.500 và 1.500 m) và tuyên bố tình trạng khẩn cấp một lần nữa.[10] Bộ lưu dữ liệu chuyến bay ngừng ghi lúc 22:25:40 AT (01:25:40 UTC), sau đó một giây bộ ghi âm buồng lái cũng ngừng ghi. Chiếc máy bay xuất hiện lại trên màn hình radar trong giây lát từ 22:25:50 AT (01:25:50 UTC) đến 22:26:04 AT (01:26:04 UTC). Độ cao cuối cùng ghi nhận được của máy bay là 9.700 feet (2.700 m). Ngay sau khi tuyên bố khẩn cấp, có thể nghe thấy cơ trưởng rời khỏi ghế ngồi để chữa lửa, lúc này đã bén vào phía sau buồng lái; sau này cuốn danh sách kiểm tra của Swissair được tìm thấy tan chảy trong xác máy bay, cho thấy cơ trưởng có thể đã dùng chúng để dập lửa.[9] Cơ trưởng không bao giờ trở lại ghế ngồi; người ta không biết được liệu ông đã chết trong đám cháy, bị ngạt khói, hay thiệt mạng do va chạm. Các bằng chứng vật lý cho thấy cơ phó Löw có thể đã sống sót qua vụ hỏa hoạn và chỉ thiệt mạng khi máy bay va chạm mặt nước; bằng chứng từ các dụng cụ bay gợi ý rằng Löw vẫn cố gắng lái chiếc máy bay lúc này đã tê liệt, và các đồng hồ đo chỉ ra rằng ông đã tắt động cơ hai vì cảnh báo động cơ cháy khoảng một phút trước khi va chạm,[9] nghĩa là ông vẫn còn sống và vẫn điều khiển chiếc máy bay cho đến những giây cuối cùng của chuyến bay. Chiếc máy bay rơi xuống đại dương lúc 22:31 AT (01:31 UTC) với tốc độ ước tính 345 mph (555 km/h, 154 m/s, hay 299 knot) và với lực 350 g, khiến chiếc máy bay vỡ tan thành hàng triệu mảnh[11] trong chưa đầy một giây.[12] Máy bay rơi tại 44°24′33″B 63°58′25″T / 44,40917°B 63,97361°T / 44.40917; -63.97361Tọa độ: 44°24′33″B 63°58′25″T / 44,40917°B 63,97361°T / 44.40917; -63.97361, sai số 300 mét.[13]

Hoạt động tìm kiếm cứu nạn

Hoạt động tìm kiếm cứu nạn tên mã "Operation Persistence" được triển khai ngay tức thì bởi Trung tâm điều phối cứu nạn liên hợp Halifax – Joint Rescue Coordination Centre Halifax (JRCC Halifax). Trung tâm này sử dụng nguồn lực từ lực lượng Không lực, Hải quân, Quân đội Canada, cũng như Lực lượng bảo vệ bờ biển Canada – Canadian Coast Guard (CCG) và Lực lượng phụ trợ bảo vệ bờ biển Canada – Canadian Coast Guard Auxiliary (CCGA).

Đơn vị tình nguyện thuộc Lực lượng phụ trợ bảo vệ bờ biển Canada là lực lượng đầu tiên tiếp cận vị trí tai nạn. Những đơn vị này chủ yếu sở hữu các thuyền đánh cá tư nhân từ Peggy's Cove, Bayswater và những bến cảng khác trong vịnh St. Margarets và bán đảo Aspotogan. Không lâu sau đó, tàu CCGS Sambro của Lực lượng bảo vệ bờ biển Canada và trực thăng CH-113 Labrador của Phi đội 413 từ Căn cứ quân lực Greenwood cũng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn.

Địa điểm máy bay rơi nằm gần Halifax khiến các tàu neo đậu tại căn cứ hải quân lớn nhất Canada, Căn cứ quân lực Halifax, cũng như một trong số các căn cứ lớn nhất của Lực lượng bảo vệ bờ biển Canada là Căn cứ Dartmouth, chỉ mất một giờ để tiếp cận. Khi các chỉ thị được đưa ra, các tàu này lập tức hướng về vịnh St. Margarets.[14]

Hải quân Hoa Kỳ cũng hỗ trợ công tác trục vớt.[15]

Tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Canada

CCGS Hudson, CCGS Mary Hichens, CCGS Simon Fraser, CCGS Earl Grey, CCGS MatthewCCGS Sambro (tàu đầu tiên của chính quyền tại hiện trường)[16]

Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của nhiều trực thăng của CCG (mẫu MBB Bo 105), thuyền phao và tàu của lực lượng phụ trợ.

Chiến hạm của Quân lực Canada

HMCS Kingston (MM 700), HMCS Preserver (AOR 510), HMCS Ville de Québec (FFH 332), HMCS Halifax (FFH 330), HMCS Glace Bay (MM 701), HMCS Goose Bay (MM 707), HMCS Moncton (MM 708)HMCS Anticosti (MSA 110)[14]

Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của nhiều máy bay trực thăng tác chiến chống tàu ngầm CH-124 Sea King của Không lực hoàng gia Canada và các thuyền phao của Hải quân hoàng gia Canada.

Tàu ngầm của Quân lực Canada

HMCS Okanagan (S74)[14]

Tàu phụ trợ của Quân lực Canada

CFAV Sechelt (YDT 610), CFAV Granby (YDT 12)CFAV Glenevis (YTB 642)[14]

HMCS Preserver được chỉ định làm tàu chỉ huy tại hiện trường cho Operation Persistence và có quyền hạn cao nhất đối với mọi máy bay và tàu thuyền trong khu vực tai nạn.

Hoạt động tìm kiếm và trục vớt

Đến chiều ngày 3 tháng 9 thì rõ ràng là đã không có ai sống sót sau vụ tai nạn, JRCC Halifax rút tàu CCGS Sambro và các máy bay CH-113 Labrador khỏi cuộc tìm kiếm cứu hộ. Cảnh sát Hoàng gia Canada – Royal Canadian Mounted Police (RCMP) được giao toàn quyền chỉ huy công tác trục vớt, với tàu HMCS Preserver (AOR 510) tiếp tục là tàu chỉ huy tại hiện trường.

Chiếc máy bay vỡ tan khi va chạm với mặt nước và phần lớn mảnh vỡ chìm xuống đáy đại dương (độ sâu khoảng 55 m hay 180 ft). Một số mảnh vỡ nổi trên mặt nước trong khu vực máy bay rơi và nhiều tuần sau đó chúng trôi dạt vào bờ biển.[17]

Trọng tâm ban đầu của công tác này là tìm và nhận dạng các nạn nhân, trục vớt các bộ lưu chuyến bay, nhưng công tác gặp khó khăn bởi vì lực va chạm "ít nhất lên đến 350 g"[18] có nghĩa là xác các nạn nhân trong chuyến bay gần như vỡ ra từng mảnh, và điều kiện môi trường lúc đó chỉ cho phép trục vớt những mảnh thi thể cùng các mảnh vỡ máy bay.[19] Người ta chỉ nhận dạng trực quan được một trong số hàng trăm nạn nhân. Trong số các nạn nhân khác, 147 người được nhận dạng bằng dấu vân tay, đặc điểm răng và so sánh bằng tia X. 81 nạn nhân còn lại được nhận dạng qua xét nghiệm ADN.[20]

Tàu CCGS Hudson đang tìm kiếm mảnh vỡ của Chuyến bay 111 cùng với HMCS Anticosti (giữa), USS Grapple (phải), và hoặc là HMCS Halifax hoặc là HMCS Ville de Québec ở đằng xa.

Chính phủ Canada thỉnh cầu Chính phủ Hoa Kỳ trợ giúp một tàu cứu hộ hàng hải lớn hơn cùng tham gia trục vớt với các thợ lặn của Quân lực Canada. Tàu USNS Grapple (ARS-53) của Hoa Kỳ đến địa điểm tai nạn vào ngày 9 tháng 9, mang theo 32 thợ lặn cứu hộ.[21]

Tàu ngầm HMCS Okanagan (S74) tìm thấy bộ ghi âm buồng lái (CVR) và bộ lưu dữ liệu chuyến bay (FDR) bằng sonar và các thợ lặn của Hải quân Canada nhanh chóng thu hồi chúng (bộ lưu dữ liệu trục vớt ngày 6 tháng 9 và bộ ghi âm buồng lái ngày 11 tháng 9 năm 1998). Cả hai đều ngừng hoạt động khi máy bay mất điện ở độ cao khoảng 10.000 ft (3.000 m), 5 phút 37 giây trước khi va chạm.[22]

Ban An toàn giao thông Canada (TSB) là cơ quan hướng dẫn công tác này, với nhân sự là Quân lực Canada, Lực lượng bảo vệ bờ biển Canada, Cảnh sát Hoàng gia Canada và các lực lượng khác. Người ta dùng sonar, máy quét laser và các phương tiện không người lái để xác định vị trí các vật thể. Khi đã xác định được vị trí, các mảnh vỡ được đưa lên, ban đầu bởi các thợ lặn và phương tiện không người lái, sau đó bằng cách nạo vét và kéo lưới.[23]

Ngày 2 tháng 10 năm 1998, TSB bắt đầu hoạt động trục vớt phần lớn xác máy bay từ những vùng biển sâu trước khi các cơn bão mùa đông tràn về. Đến ngày 21 tháng 10, khoảng 27% các mảnh vỡ được đưa lên.[24] Trong giai đoạn cuối cùng, người ta sử dụng tàu Queen of the Netherlands để nạo vét phần mảnh vỡ máy bay còn lại. Hoạt động trục vớt chấm dứt vào thánng 12 năm 1999 với khoảng 98% xác máy bay được đưa lên bờ: khoảng 126.554 kg (279.000 lb) mảnh vỡ máy bay và 18.144 kg (40.000 lb) hàng hóa.[17]

Vào thời điểm đó, người ta cho rằng tai nạn xảy ra do hệ thống điện trong buồng lái gặp trục trặc khi hệ thống giải trí trên máy bay nóng lên. Ban An toàn giao thông Canada công bố báo cáo sơ bộ về tai nạn vào ngày 30 tháng 8 năm 2000, và báo cáo cuối cùng vào năm 2003.[25]

Phản ứng của hãng hàng không

Sân bay JFK tụ tập thân nhân các nạn nhân tại khách sạn JFK Ramada Plaza do khách sạn này cách sân bay không xa.[26] Vì khách sạn này được dùng làm nơi ở cho người thân và gia đình nạn nhân của nhiều vụ tai nạn máy bay nên nó còn được gọi là "Heartbreak Hotel".[26][27] Jerome "Jerry" Hauer, quản lý lực lượng đặc nhiệm khẩn cấp của Thị trưởng thành phố New York Rudy Giuliani, đã khen ngợi Swissair và hãng liên danh Delta Air Lines trong việc phản ứng với tai nạn: ông đã chỉ trích Trans World Airlines và phản ứng của hãng này khi Chuyến bay 800 của TWA rơi vào năm 1996.[28]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chuyến bay 111 của Swissair http://www.iasa.com.au/folders/sr111/ConditionofSw... http://www.cbc.ca/fifth/episodes/2011-2012/swissai... http://www.cbc.ca/m/touch/canada/story/1.638681 http://www.cbc.ca/news/canada/swissair-crash-may-n... http://www.cbc.ca/news/canada/swissair-crash-specu... http://www.cbc.ca/player/Shows/Shows/the+fifth+est... http://www.cmaj.ca/content/160/2/241.full.pdf http://publications.gc.ca/site/eng/82999/publicati... http://www.tsb.gc.ca/eng/medias-media/fiches-facts... http://www.tsb.gc.ca/eng/rapports-reports/aviation...